Xây dựng một hệ thống RAID có lẽ không phải là thứ hấp dẫn nhất mà bạn đọc trong ngày hôm nay, nhưng nếu bạn muốn nâng cấp trình dựng phim của mình thì bạn nên tham khảo.
RAID hay Redundant Array of Inexpensive Disks (hay đôi khi còn gọi là Redundant Array of Independent Disks) là hệ thống hai hoặc nhiều ổ đĩa được liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống ổ đĩa duy nhất nhằm tăng tốc độ lưu trữ dữ liệu hoặc bảo vệ dữ liệu. Một số RAID được thiết kế để có thể đồng thời thực hiện được cả hai mục đích trên. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng phân tích một vài cấu hình RAID khác nhau, và tại sao bạn nên sử dụng chúng và cách để set up hệ thống RAID của riêng bạn.
Các cấu hình RAID phổ biến
Đầu tiên, RAID đặc trưng bởi con số. Phổ biến nhất cho dựng phim là các hệ thống RAID tiêu chuẩn như RAID 0, RAID 1 và RAID 5. Nhưng cũng có RAID 2, 3, 4, 6 và 10. Ngoài 8 cấu hình này, còn có các hệ thống RAID lồng nhau cũng như các biến thể không-tiêu-chuẩn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 3 hệ thống RAID được các dựng phim sử dụng nhiều nhất.
RAID 0
Còn được gọi là “nonredundant arrays” hay “data striping arrays” , cấu hình này phân phối đồng đều dữ liệu của bạn trên các ổ đĩa thành từng phần có kích thước giống nhau. Điều này giúp người dựng phim tăng hiệu suất làm việc, chủ yếu là nhờ tăng tốc độ đọc/ghi. Bằng cách ‘rải đều’ dữ liệu trên tất cả các ổ đĩa. Nếu bạn dựng multicam, video RAW 4K hoặc cao hơn, với các hiệu ứng hình ảnh và đồ họa chuyển động, một máy tính có tốc độ cao (CPU và RAM mạnh) và một RAID 0 là những gì bạn cần. Bạn có thể tìm hiểu thêm về dựng phim 4K ở đây.
Mặc dù vậy, RAID 0 không có khả năng chịu lỗi (fault tolerance). Có nghĩa là bạn sẽ không có cách gì bảo vệ được dữ liệu của bạn một khi có lỗi xảy ra. Một khi một trong số các ổ đĩa có vấn đề, bạn sẽ mất toàn bộ dữ liệu, công việc.
RAID 1
Nói một cách đơn giản, hệ thống này trái ngược với RAID 0. RAID 1, hay còn được gọi là ‘disk mirroring’, sẽ đồng thời ghi tất cả các dữ liệu của bạn lên cả hai ổ đĩa, giả sử bạn dùng hệ thống có hai ổ đĩa. Các đĩa được ‘nhân đôi’. Nếu một ổ đĩa bị lỗi, ổ đĩa kia vẫn còn lưu dữ tất cả thông tin.
Một nhược điểm của cấu hình này là bạn sẽ chỉ có thể sử dụng được một nữa tổng dung lượng ổ đĩa của bạn. Giả sử bạn set up một hệ thống RAID 1 với 2 ổ đĩa 1 TB. Một cộng một bằng hai đúng không? Không đúng với RAID 1. Bởi vì dữ liệu được ‘nhân đôi’, vậy nên bài toán RAID 1 là một cộng một bằng một. Khả năng đọc cáo thể nhanh hơn vì dữ liệu có thể được đọc đồng thời từ hai ổ đĩa, nhưng tốc độ ghi sẽ chậm hơn vì mọi thao tác ghi phải được thực hiện 2 lần.
RAID 5
Cấu hình này phù hợp cho cả hai yêu cầu trên, nhưng giá thì cao. RAID 0 và RAID 1 chỉ yêu cầu tối thiểu 2 ổ đĩa, còn RAID 5 thì bạn cần có ít nhất là 3. Và nó không ‘nhân đôi’ dữ liệu mà sao lưu dữ liệu dựa trên hệ thống ‘tương trợ’ dựa trên một hàm số toán học. Cấu hình này cho phép chia thông tin chẵn lẻ trên khắp các ổ đĩa. Nếu một ổ đĩa có vấn đề, tất cả dữ liệu có thể được phục hồi bằng cách xây dựng lại thông tin từ các ổ đĩa còn lại. Một RAID 5 có tốc độ đọc cao nhất nhưng có tốc độ ghi chậm nhất.
Làm thế nào để set up một RAID
Bạn có thể cấu hình RAID bằng các bộ điều khiển phần mềm hoặc phần cứng. Trong thiết lập phần cứng RAID, các ổ đĩa được kết nối với bo mạch chủ thông qua các khe gắn thẻ PCI-Express tốc độ cao. Ngày càng có nhiều máy tính có khả năng thiết lập và điều khiển RAID thông qua phần mềm tiện ích trong hệ điều hành. Nói chung, sử dụng tùy chọn phần cứng có nghĩa là ít gây căng thẳng hơn cho hệ điều hành của máy tính, cũng như các lợi ích khác tùy thuộc vào phần cứng mà bạn sử dụng. Nhưng phần mềm hệ thống RAID đang liên tục được cải tiến.
Kể từ Windows XP (2001), Microsoft đã tích hợp chức năng RAID vào hệ điều hành. Disk Utility trên Mac cũng cho phép bạn set up RAID 0, RAID 1, RAID 10 vàJBOD (Just a Bunch Of Disks – rất nhiều ổ đĩa). Luôn sao lưu mọi dữ liệu vào một ổ đĩa trước khi đưa vào RAID – tạo một RAID xóa tất cả dữ liệu hiện có trên các ổ đĩa đó.
Việc set up tương đối đơn giản. Nó thường bao gồm các điều sau:
Đặt tên hệ thống RAID mới
Chọn cấp độ (ví dụ như RAID 0, RAID 1…
Đối với RAID 0, chọn Stripe Size. Mặc dù đây là một lựa chọn tương đối mang tính cá nhân và kích thước khác nhau tùy theo phần cứng mà bạn sử dụng, nhưng một stripe size lớn thì sẽ tốt cho dựng video. 64K hoặc 128K là những con số đẹp.
Chọn các ổ đĩa mà bạn muốn configure.
Xác nhận lệnh và tạo
Quy trình chính xác có thể thay đổi tùy theo hệ điều hành của bạn, nhưng đây là các bước căn bản.
Các yếu tố khác
Cấu hình phần cứng liên tục thay đổi. Tôi từng có một hệ thống đồ sộ với 4 cụm đĩa. Giờ thì tôi dựng phim từ một laptop với một hệ thống RAID ngoài di động. Vậy nên bạn có các tùy chọn để set up hệ thống RAID của bạn trong máy tính để bàn hoặc để làm việc với một cấu hình bên ngoài. Western Digital, G-Technology, LaCie, LinkStation… có rất nhiều công ty làm hệ thống RAID ngoài.
Chúng tôi chưa thể kiểm tra ổ cứng nào tốt nhất để xây dựng một hệ thống RAID, nhưng bạn có thể tìm hiểu nhiều thông tin hơn tại Hướng dẫn mua thiết bị lưu trữ của chúng tôi.
Lưu ý cuối cùng: RAID không phải là một hệ thống sao lưu. Mặc dù có nhiều RAID nhân đôi dữ liệu của bạn, thì một số tình huống nhất định có thể dẫn đến việc bạn phải nói lời tạm biệt với dữ liệu của mình: virus máy tính, lỗi của con người như xóa nhầm dữ liệu, trộm cắp và hỏa hoạn… Tất cả các file gốc đều cần được sao lưu tại một ổ đĩa riêng và lưu trữ bên ngoài trước khi đưa vào RAID. Chúc bạn gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp dựng phim.
Nguồn: Video Maker
Pixel Factory sưu tầm và biên dịch